Kỷ niệm 120 năm hình thành và phát triển, kỷ niệm Festival Hoa Đà Lạt tháng 12-2013, Đài truyền hình Lâm Đồng thực hiện một trương trình “Thơ trên đá của Trương Xuân Huy”, bài bình có nội dung như sau:
THƠ TRÊN ĐÁ:
Có lẽ ít ai biết rằng, trên con đường Triệu Việt Vương, thành phố Đà Lạt, có một vườn đá khắc thơ của một người thơ đã gắn bó với mảnh đất này hơn nửa thế kỷ. Đó là nhà giáo làm thơ, Trương Xuân Huy. Vốn là một người ít tìm đến những nơi phồn hoa đô hội, ông lặng lẽ làm chức phận của mình là dạy học và làm những công việc mà mình yêu thích. Trương Xuân Huy ham đọc sách, trăn trở đi tìm những tứ thơ cho riêng mình, rồi dồn tâm lực cho thi ca, mà ông đeo đuổi từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, và lúc cảm xúc đến, ông lại làm thơ. Thơ ông cũng lặng lẽ như chính cuộc đời mình.
Rời quê hương sông Vệ – Tư Nghĩa – Quảng Ngãi, Trương Xuân Huy ngược lên cao nguyên dạy học. Ngay từ buổi ban đầu, Đà Lạt với những hàng thông xanh, những con đường đầy hoa, những kiến trúc Villa biệt thự nằm ven trên sườn đồi, sương mờ lãng đãng, và những con người Đà Lạt hiền lành, thân thiện đã quyến rũ ông, khiến ông chọn nơi này để sống và viết. Đến nay ông đã xuất bản 4 tập thơ riêng, đó là “Quê hương như chiếc nôi hồng” (1993), “Xa như màu nhớ” (1995), “Vườn xanh quả đỏ” (1998) và “Màu thu Đà Lạt” (2002), có tác phẩm in trong 45 tuyển tập thơ và dành gần 50 bài thơ tâm đắc của mình để khắc lên đá. Làm thơ là để giải bày tâm sự, cảm nhận những gì mình bắt gặp trên đường đời, là cảm xúc bất tận từ những điều trăn trở trong cuộc sống này, và hướng đến ngọn nguồn của Chân – Thiện – Mỹ. Và cách chơi thơ, bằng cách khắc thơ của mình lên đá, là việc làm xưa nay ở Đà Lạt chưa thấy ai làm. Có lẽ Trương Xuân Huy là người đầu tiên.
Trong những tập thơ đã xuất bản, có khá nhiều bài thơ Trương Xuân Huy viết về Đà Lạt, như “Có về Đà Lạt”, “Đà Lạt chiều mưa tháng năm”, “Đông bên hồ Đà Lạt”, “Trở về Đà Lạt”, “Chiều Lạt”, “Mùa hè ở Đà Lạt”, “Đà Lạt mùa khô 92”, “Màu thu Đà Lạt”, “Đà Lạt em nhớ về mùa xuân”… trong những bài thơ ấy, ông đã chọn một số bài để khắc lên đá, như “Đà Lạt chiều mưa tháng năm”, “Mùa hè ở Đà Lạt”, “Màu thu Đà Lạt”. Trong đó bài “Đà Lạt chiều mưa tháng năm”, là một bài thơ có nhiều cảm xúc của ông khi viết về thành phố này được rất nhiều người yêu thơ biết đến. Trong “Màu thu Đà Lạt”, ông tâm sự:
“Thu ở đây như mượn ở đâu về
Nghe khắc khoải những mảnh đời chia biệt
Nghe xa vắng những gì không đích thực
Nghe mơ hồ khói núi buổi chiều hôm”
Ngoài ra một số bài thơ khác, những bài thơ với những câu thơ triết luận viết về cuộc đời trong những bài thơ như “Nguyễn Trãi”, “Trương Lương”, “Ba lần đọc truyện Tây Du, “Về thiền”, “Vọng”, “Cẩn tắc vô ưu”,v.v…
Khắc thơ trên đá là một lối chơi khá độc đáo của nhà thơ Trương Xuân Huy ít người làm được. Không chú ý nhưng tình cờ cách chơi thơ của ông đã tạo ra một phong cách, một nét đẹp văn hóa rất riêng mà chỉ có ở những tâm hồn luôn trân trọng tác phẩm của mình và khao khát vĩnh cửu hóa những bài thơ tâm đắc để lại cho đời sau. Với thơ của Trương Xuân Huy, càng đọc ta càng hiểu thêm về ông, một nhà giáo làm thơ, một tâm hồn giàu cảm xúc. Thơ ông phản ánh rõ quan niệm sống cũng như nhân cách của tác giả. Nhà thơ Trinh Đường đã có lần bày tỏ tâm giao khi giới thiệu tập thơ “Quê hương như chiếc nôi hồng” của Trương Xuân Huy rằng: “Thơ Trương Xuân Huy là một sự kết hợp có chừng mực giữa tỉnh và mê, tỉnh hơn là mê, nên không khỏi hạn chế ở sự bay bổng, điều kiện thiết yếu để chinh phục các tầng trời khác nhau về tư tưởng. Có người làm thơ để nói đến thế sự, giải bày tâm sự, có người để giải tỏa những nỗi u uất với người cùng thời, cũng có người xem thơ là một thú vui tao nhã vượt ra khỏi biên giới điền viên để tìm đến với người đồng điệu ở bốn phương trời.