Từ thưở niên thiếu, Trương Xuân Huy đã rời xa cây đa mái đình làng Vạn Mỹ bên dòng sông vệ thân thương, định cư ở thành phố Đà Lạt. Sống ở thành phố ngàn hoa, Trương Xuân Huy dạy học và âm thầm đi vào cánh đồng thi ca.
Như những người làm vườn trên vùng cao nguyên Liang Bian, sau những ngày lao động trong sương sớm, gió núi mưa chiều, lòng reo vui khi thấy “vườn xanh quả đỏ” của mùa vui. Sau những tháng năm âm thầm sáng tác trên cánh đồng thi ca riêng của mình, Trương Xuân Huy đã gặt được những mùa vui. Chỉ trong 5 năm, từ năm 1993 đến năm 1998, Trương Xuân Huy đã xuất bản được 3 thi phẩm, gồm : Quê hương như nôi hồng; Xa như màu nhớ; Vườn xanh quả đỏ. Thơ Trương Xuân Huy còn được chọn đưa vào 20 tuyển tập thơ trong nước và nước ngoài. Khi nói về thơ Trương Xuân Huy, người yêu thơ thường nhắc đến “Màu thu Đà Lạt” và “Đà Lạt chiều mưa tháng năm” là những bài thơ tình của Trương Xuân Huy đã neo đậu trong lòng người yêu thơ và yêu xứ sở Đà Lạt ngàn hoa.
Bên cạnh những bài thơ tình đầy thơ mộng, lãng đãng như mây trời Đà Lạt, đậm ngàn hoa sắc núi, chúng ta còn bắt gặp Trương Xuân Huy với những bài thơ thể hiện sự trãi nghiệm sắc màu cuộc sống, những bể dâu của cuộc đời, bối cảnh xã hội đổi thay…
“Nhỏ đọc truyện Tây Du
Muốn thành Tôn Hành Giả
Chưa tính chuyện đi tu
Bởi hồn hoa mắt lá.
Lớn đọc truyện Tây Du
Đời đẩy xô nghiệt ngã
Hai tuyến bạn và thù
Mỗi bên đòi một giá.
Giờ đọc truyện Tây Du
Thấu nỗi tình thiên hạ
Mây mù và mây mù
Đang bủa giăng khắp ngã.
Ngòi bút Ngô Thừa Ân
Lũ yêu Tây Du Ký
Ôi cái thuở phân thân!
Ôi một thời mộng mị!”
(Ba lần đọc truyện Tây Du)
Thơ Trương Xuân Huy còn ẩn chứa tình cảm, bắt người đọc phải suy nghĩ nhiều:
“ Tình đau, đau một kiếp thôi
Nghĩa đau đau đến luân hồi còn đau
Lạy Trời, lạy Đất, lạy nhau
Lạy hai con mắt nghìn sau ngùi ngùi”.
(Lạy hai con mắt)
“Đôi mắt ai thắp lửa những tia nhìn
Đêm mất ngủ, chập chờn đôi mắt ấy
Tôi ước được mọi đêm dài thức dậy
Để mắt người thắp lửa mãi trong tôi
(Đôi mắt)
Trương Xuân Huy viết nhiều thể loại thơ. Chúng tôi nhớ không lầm , Trương Xuân Huy còn viết nhiều bài thơ tứ tuyệt (có lẽ gần 300 bài) . Thơ tứ tuyệt của Trương Xuân Huy cô đọng, tính khái quát cao. Chỉ 4 câu thơ, Trương Xuân Huy đã nói lên được bi kịch cuộc đời Nguyễn Trãi – một nhà chính trị, một nhà văn lớn của đất nước :
“ Quân sư cho Lê Lợi
Lưỡng triều là Quốc công
Đỉnh Côn Sơn lên tới
Gò hồng nhan thì không”.
(Nguyễn Trãi)
Chúng ta còn bắt gặp chính tâm trạng của mình trong những bài thơ tuyệt cú của Trương Xuân Huy. Đây cũng là nỗi lòng của những người sống xa quê hương khi trở về miền cố thổ :
“Nửa trăm năm bỏ đi hoang
Đầu Xuân lão trở lại làng tìm xưa
Cũ bà ru cháu, ru trưa
Chợ ông khách hỏi, chào thưa. Giật mình”.
(Tìm xưa)
Và chúng ta cũng gặp lại tâm sự của Hạ Chi Trương, Vương Bột – Những nhà thơ đời đường của đất nước Trung Hoa xa xôi trong thơ của Trương Xuân Huy :
“Bốn thập niên dư sống xứ xa
Vàng thu lá rụng thăm quê nhà
Người xưa, cảnh cũ ôi thay đổi
Ngay cả người thân nhận chẳng ra”.
(Người xưa cảnh cũ)
“Tiếu vấn xứ tầm hà xứ lai”. Ôi, thương cảm biết bao cho nỗi lòng người trở về cố thổ. Đây cũng là tâm trạng chung của nhiều người trong chúng ta khi trở về quê hương sau những năm dài xa cách.
Xa quê hương gần 60 năm nhưng trong lòng Trương Xuân Huy vẫn không nguôi nhớ về Quảng Ngãi đất mẹ. Trong thơ của ông lúc nào cũng mang đầy hình ảnh thân thương của dòng sông Vệ, bờ xe nước, bụi dứa, nương dâu, cây đa mái đình và những đêm trăng quê nhà. Tất cả đã in sâu vào tâm hồn của những người sống xa quê với bao hoài cảm về một thời đã xa! …:
“ Bài thơ này tôi viết gởi Quê Hương
Có dòng sông chảy qua cầu sông Vệ
Như con rắn trườn mình ra bể
Đã sinh ra bao chuyện lỡ bồi
Bên kia cầu bạn thấy rõ làng tôi
Ngày thơ ấu bãi bồi xa tít tắp
Nửa thế kỷ bãi làng tôi bị cắp
Tôi xa quê khi sông chãy sát nhà
Những vui buồn tuổi trẻ trôi qua
Lành với dữ theo về hai mùa nước
Giòng sông cho tôi tuổi thơ tắm mát
Những ngày xưa bờ bãi chửa thành sông
Bánh xa quay đưa nước ngược lên đồng
Con thuyền chở của nguồn xuôi ngọt mái
Bờ xe nước ngày xưa là bến đợi
Biết bây giờ bờ xe ấy về đâu?
Những đêm trăng thơ thẩn trên cầu
Tâm chức chảy theo dòng không trở lại
Những trưa hè dọc triền sông dứa dại
Cứa vào chân, ngai ngái một lần hương
Nước sông dâng mùa lũ ngập lên vườn
Con sông rộng dập dềnh lên bất chợt
Củi gỗ mục theo dòng hăm hở vớt
Triệu năm rồi lấn biển lũ phù sa.
Chuyện sông thơ giờ là chuyện xưa qua
Chút kỷ niệm chập chờn trong bộ nhớ
Tôi bỏ ruộng, bỏ sông về núi ở
Trở giấc khuya choàng dậy nẩy lòng thương.
Bài thơ này tôi viết gởi Quê Hương
Có dòng chảy ngang qua cầu sông Vệ
Sông quê ơi! Một ngày nào, có thể
Tôi chết rồi, thương vẫn gởi về sông”.
(Viết tặng sông quê)
Thơ hay theo chúng tôi là những bài thơ chúng ta thấy tình cảm, hình ảnh của chính mình trong thơ. Ngày xưa nhà thôi Lý Thương Ẩn đời Đường đã từng viết : “Tam niên dĩ chế tư hương lệ / Cánh nhập tân niên khủng bất câm” (Thương quê nén lệ ba năm / Sợ vào năm mới lệ thầm khó ngăn).
Ngày nay, Trương Xuân Huy đã thốt lên trong thơ :
“Sông quê ơi! Một ngày nào, có thể
Tôi chết rồi, thương vẫn gởi về sông”.
“Thương nhớ gửi về sông” – sông về biển lớn, rồi trở về nguồn. Đây là tình cảm, đạo lý trong đời của chúng ta. Thương nhớ gửi về sông là tiếng lòng của những người con sống xa quê hương thương về cố thổ. Xin cảm ơn nhà thơ Trương Xuân Huy đã nói hộ nỗi lòng của bao người trong chúng ta, những người con thân yêu của dòng sông Vệ sống tha hương.